Chào mừng bạn đến với Y Khoa Kỳ Hòa

Mở cửa : Thứ hai - Thứ bảy: Buổi sáng: 7:30 - 11:30, Buổi chiều: 13:00 - 17:00. Chủ nhật nghỉ

Nuôi thú cưng có dễ mắc bệnh truyền nhiễm không?

Các loại thú nuôi trong nhà như chó, mèo, chim và các loại bò sát đều có thể gây bệnh hoặc truyền các loại ký sinh qua người.

Làm sao để tránh các bệnh lây từ thú nuôi?

Việc quan trọng nhất là không chạm vào chất thải của chúng (phân, nước tiểu). Sau khi rửa dọn chuồng phải rửa tay cẩn thận và không để trẻ em chơi ở những vùng gần nơi tiểu tiện của chó hoặc mèo.

Không nên dùng miệng để hôn hoặc truyền thức ăn thú cưng.

Rất nhiều người yêu thú vật dùng miệng để hôn hoặc truyền thức ăn cho chúng, đó là điều không nên.

Nếu bạn đang có thai hoặc hệ miễn dịch đang suy yếu, thì tuyệt đối không rửa dọn chuồng/nơi tiểu tiện của mèo bởi vì như vậy, bạn rất dễ bị nhiễm Toxoplasma gondii, một loại đơn bào sống ký sinh trên mèo. Nhiễm Toxoplasma (toxoplamosis) trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi.

Động vật bò sát cũng mang một số vi trùng có khả năng gây bệnh cho người. Nếu bạn sở hữu một chú thú cưng mang họ bò sát, phải nhớ rửa tay sạch sau khi chơi đùa hoặc chạm vào nơi chúng ở. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ. Không những vậy, những vùng xung quanh chuồng và ngay cả các vật dụng để làm sạch chuồng cũng phải được lau rửa thường xuyên. Trẻ em dưới 5 tuổi và những người có hệ miễn dịch kém không nên tiếp xúc trực tiếp với chúng hoặc các vật dụng trong chuồng.

Chăm sóc thú nuôi như thế nào?

Thú nuôi của bạn phải được tẩy giun và tiêm vacxin. Điều này không chỉ giúp chúng được khỏe mạnh mà còn có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh qua người.

Một việc khá quan trọng nữa là phải diệt các loại chấy rận sống bám trên chó, mèo. Chấy rận có thể lây lan sang người, làm cho bạn lẫn con thú yêu của bạn ngứa ngáy khó chịu hoặc bị bệnh.

Thú cưng cần được tiêm ngừa đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ

Không nên:

  • Cho thú nuôi ăn các loại thịt sống và đừng để chó hoặc mèo đuổi bắt và ăn thú hoang. Đây là nguyên nhân làm cho mèo bị nhiễm ký sinh toxoplasma.
  • Để chúng đến gần các con vật bị bệnh hoặc chưa được chích ngừa vacxin.

Trẻ em và thú nuôi

Khi con bạn chơi với thú nuôi, bạn phải trông chừng. Trẻ em thường bò trên sàn nhà xung quanh chó mèo, hôn chúng, đút tay vào miệng chúng rồi lại bỏ tay vào miệng nên trẻ nhỏ rất dễ bị lây nhiễm bệnh.

Ngoài ra, trẻ em thường hay bị thú nuôi cào hoặc cắn vì chúng chưa biết cách tiếp xúc với các loài vật. Bạn nên dạy cho trẻ cách tiếp xúc với thú nuôi trong nhà và tránh thú lạ. Để an toàn, tốt nhất không nên nuôi thú vật trong nhà cho đến khi con bạn đủ lớn.

Trẻ em dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc với

Không chỉ chó, mèo mà các động vật khác cũng không nên nuôi nếu nhà bạn có trẻ em dưới 5 tuổi

  • Các loại thú tại sở thú hoặc nông trại.
  • Gà con
  • Vịt con
  • Loài lưỡng cư (cóc, nhái,…)
  • Loài vật bò sát (rùa, rắn, kỳ nhông,..)

Nếu bạn muốn nuôi một con vật trong nhà, nên chọn những con chó, mèo đã lớn, không nên chọn những con còn quá bé. Những con vật đã được chăm sóc tốt thường ít nguy cơ nhiễm và lây lan bệnh. Hơn nữa, bạn có thể tránh những thiệt hại nhà cửa, đồ vật do chó mèo con gây ra. Cuối cùng, đừng mang những con vật bị bệnh về nhà để bảo vệ gia đình và bản thân bạn.

ThS Võ Ngọc Thiên Ân – Theo Y Học Cộng Đồng